1. Nên dùng loại nước nào để pha sữa cho bé?
Điều này phụ thuộc vào loại nước máy mà bạn dùng và tình trạng sức khỏe của trẻ. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về vấn đề này, đặc biệt nếu trẻ có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe.
Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, để pha sữa cho trẻ, không sử dụng nước có chứa nhiều flo. Quá nhiều flo sẽ tăng nguy cơ men răng trẻ bị nhiễm flo, vấn đề này xảy ra khi răng đang mọc ra từ lợi. Răng bị nhiễm flo không hẳn là bệnh, nhưng có thể tạo nên các đốm hoặc các mảng màu trắng trên răng vĩnh viễn.
Nếu nước máy nhà bạn có lượng flo xấp xỉ 0,7mg/L hoặc cao hơn thì cần xem xét việc sử dụng một nguồn nước khác có hàm lượng flo thấp hơn. Nếu bạn đang dùng hệ thống nước công cộng, hãy kiểm tra với nhà cung cấp nguồn nước ở khu vực của bạn.
Nước đóng chai thường chứa rất ít flo và được quảng cáo là tình khiết, khử ion, khử khoáng, chưng cất hoặc được sản xuất bằng quy trình thẩm thấu ngược. Hầu hết các cửa hàng tạp hóa đều bán những loại nước có hàm lượng flo thấp. Bạn thậm chí có thể tìm thấy những loại có ghi nhãn chuyên dùng để pha sữa. Theo luật của Mỹ, nước đóng chai phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng nước của FDA, tiêu chuẩn này ít nhất cũng nghiêm ngặt tương đương với tiêu chuẩn EPA cho nước máy. Hiện nay, một số hệ thống xử lý nước cho hộ gia đình cũng có khả năng loại bỏ flo. Nếu bạn muốn sử dụng nước máy, hãy lắp đặt hệ thống vòi nước lạnh và cho nước chảy trong vài phút trước khi sử dụng. Điều này giúp làm giảm nguy cơ nhiễm chì hoặc các kim loại không mong muốn khác.
Nếu bác sĩ hoặc cơ sở y tế địa phương khuyên bạn pha sữa bằng nước đã đun sôi, bạn cần thực hiện điều đó. Đun nước đến nhiệt độ sôi và đợi thêm khoảng một phút, sau đó để nguội trước khi sử dụng. Không nên đun lại hoặc đun sôi quá lâu vì việc đó có thể làm tăng tạp chất trong nước sau khi đun.
Nếu gia đình bạn sử dụng nước giếng, nên kiểm tra thử mẫu nước để chắc chắn rằng nó an toàn trước khi sử dụng. Ví dụ, nước giếng có thể chứa muối nitrate ở nồng độ cao. Đun sôi nước trong trường hợp này cũng không đảm bảo được sự an toàn cho trẻ, thực tế đun sôi thậm chí còn làm tăng nồng độ muối nitrate lên.
2. Những loại nước không nên dùng để pha sữa cho bé
2.1 Nước khoáng
Nguy cơ tạo ra một số chất trung gian nguy hiểm sẽ xảy ra khi dùng nước khoáng để pha sữa cho trẻ em uống. Trên thực tế, nước khoáng chỉ tốt cho một số người có nhu cầu cần bổ sung chất khoáng, còn “nước tinh khiết” chỉ tốt cho người đã có đầy đủ mọi chất khoáng. Trẻ không hấp thu được hết những chất dinh dưỡng có trong sữa nếu uống sữa pha với nước khoáng. Ví dụ trẻ có nhu cầu cần nhiều chất khoáng, vitamin để phát triển, nhưng nếu uống một loại nước khoáng nào đó lâu ngày thì chỉ được cung cấp một số chất và thiếu những chất khác, điều này sẽ cản trở sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.
2.2 Nước rau luộc
Trong nước rau luộc có chứa hàm lượng nitrate cao, chẳng hạn như nước luộc các loại rau như củ dền, cà rốt, nước cải bẹ xanh, bắp cải, củ cải đường..., nitrate sẽ đi vào máu sau khi ăn, kết hợp với hemoglobin tạo ra methemoglobin khiến hồng cầu mất khả năng vận chuyển ôxy và nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, có nguy cơ cao bị tử vong. Hơn nữa, các loại thuốc thực vật thường được sử dụng để chăm bón rau nên khi nấu thường hòa tan trong nước luộc rau. Trẻ có nguy cơ bị ngộ độc nếu dùng nước luộc rau đó pha sữa.
2.3 Nước hoa quả
Nguồn cung cấp tốt các vitamin và khoáng chất cho cơ thể đến từ các loại trái cây, đặc biệt là vitamin C có nhiều trong các cây họ cam giúp hấp thu hiệu quả chất sắt có trong sữa và thực phẩm, tăng cường quá trình tạo máu của cơ thể nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì nước trái cây có chứa nhiều vitamin C và một số axit hữu cơ nên nước trái cây hoàn toàn không thích hợp dùng để pha sữa cho trẻ. Các chất này sẽ làm vón casein (một loại protein chính trong sữa) khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, khi pha sữa cho trẻ cần sử dụng nước ấm, bạn không thể đun nước trái cây vì về cơ bản các vitamin sẽ bị bay hơi ở nhiệt độ cao, việc pha sữa bằng nước trái cây cũng không còn ý nghĩa.